Chiến tranh với Lâm Ấp Thời_kỳ_Bắc_thuộc_lần_thứ_hai

Sau khi ly khai miền nam quận Nhật Nam ra khỏi lãnh thổ do nhà Hán quản lý từ năm 192, Chăm Pa - hay Lâm Ấp - trở thành nước độc lập. Do Trung Quốc nhiều biến cố, các triều đại cai trị Giao châu chỉ có thể duy trì sự quản lý tại đây, không thể đánh chiếm lại Chăm Pa.

Sang thế kỷ 4, Lâm Ấp lớn mạnh hơn trước. Tới giữa thế kỷ 4 thời Đông Tấn, các vua Lâm Ấp bắt đầu đánh ra bắc, tiến vào địa phận Giao châu. Vua Chăm Pa là Phạm Văn tiến đánh Nhật Nam và đòi lấy Hoành Sơn làm ranh giới.

Năm 351, Thái thú quận Giao Chỉ là Dương Bình và Thái thú quận Cửu Chân là Hoan Toại đánh thắng vua Lâm Ấp là Phạm Phật, đánh phá nước Lâm Ấp rồi rút về.

Năm 353, Thứ sử Giao châu là Nguyễn Phu lại đánh Phạm Phật, phá hơn 50 lũy.

Sau đó Phạm Phật vẫn thường mang quân cướp phá biên giới. Năm 359, Thứ sử Giao châu là Ôn Phóng Chi đánh đến kinh đô Lâm Ấp ở miền Quảng Nam[20].

Cuối thời Đông Tấn, vua An Đế nhu nhược, các quyền thần thao túng triều đình, tranh giành quyền bính. Sau đó quyền thần Lưu Dụ giành thắng lợi, tập trung đánh dẹp Ngũ Hồ ở Trung nguyên để lập công trạng chuẩn bị cướp ngôi nhà Tấn. Nước Lâm Ấp lại mang quân đánh phá các quận Nhật Nam, Cửu Đức và Cửu Chân.

Năm 399, con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt mang quân đánh quận Nhật Nam, bắt Thái thú Quế Nguyên; sau đó đánh vào quận Cửu Đức, bắt sống Thái thú Tào Bính. Thái thú quận Giao Chỉ là Đỗ Viện đem quân ra đánh tan được Phạm Hồ Đạt. Hồ Đạt bỏ chạy về nước. Đỗ Viện được phong làm Thứ sử Giao châu.

Năm 413, Phạm Hồ Đạt lại tiến ra quận Cửu Chân. Con Đỗ Viện là Đỗ Tuệ Độ nối chức cha, mang quân phá được Lâm Ấp, giết con Hồ Đạt là Chân Tri và Phạm Kiện, bắt một hoàng tử khác là Na Năng.

Năm 415, quân Lâm Ấp lại bắc tiến một lần nữa nhưng lại bị đẩy lui. Đến năm 420, khi Lưu Dụ mới cướp ngôi nhà Tấn lập ra nhà Lưu Tống, Đỗ Tuệ Độ nhân lúc Lâm Ấp suy yếu bèn nam tiến, đánh giết quá nửa quân Lâm Ấp. Nước Lâm Ấp phải xin hàng và nộp cống. Sau này con Tuệ Độ là Đỗ Hoằng Văn tiếp tục được nối cha và ông làm thứ sử Giao châu.

Nhưng chỉ 4 năm sau, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại lại tiến đánh hai quận Nhật Nam và Cửu Chân. Đỗ Hoằng Văn định mang quân ra đối phó, nhưng nghe tin nhà Tống sắp cử người sang thay mình nên án binh không ra nữa. Vì vậy từ đó quân Lâm Ấp thường xuyên ra cướp phá Giao châu.

Sau khi Đỗ Hoằng Văn chết (426), Tống Văn Đế phong Vương Huy làm thứ sử Giao châu. Năm 431, Phạm Dương Mại lại mang thủy quân tiến ra quận Cửu Chân. Thứ sử Giao châu mới là Nguyễn Di Chi ra chống cự bị bại trận.

Năm 433, Phạm Dương Mại sai sứ sang Kiến Khang xin Tống Văn Đế cho quản lý Giao châu nhưng không được chấp nhận. Sau đó Dương Mại vẫn sai sứ đi lại nhưng mặt khác vẫn cướp phá các quận phía nam Giao châu.

Khoảng năm 445-446[21], Tống Văn Đế sai Đàn Hòa Chi mang quân đánh Lâm Ấp. Phạm Dương Mại sai sứ giảng hòa và xin trả những hộ dân lấy của Giao châu. Đàn Hòa Chi sai sứ đi dụ Dương Mại thì bị Dương Mại bắt giữ. Hòa Chi bèn tiến binh. Tháng 5 năm đó, quân Tống đánh hạ thành Khu Lật, tiến vào Tượng Phố. Dương Mại dốc quân cả nước ra đánh nhưng bị thua to, cùng con bỏ chạy thoát thân.

Sau trận thua nặng, thế lực của Lâm Ấp suy yếu hẳn. Từ đó tới hết thời Bắc thuộc lần 2 gần 100 năm, Lâm Ấp không xâm phạm vào Giao châu nữa[22].